Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Jenny Phương và dòng sông tuổi thơ

Đã lâu Jenny Phương mới có dịp về thăm quê, ngắm nhìn những đổi thay chóng mặt ở nơi mình đã ra đi. Nhiều năm trước, tôi 18 tuổi và rời làng đi học. Lúc đó, tôi nghĩ mình sẽ không trở về làng nữa. Tôi ra đi mang theo mình ký ức về một làng quê nghèo đói, u ám, đầy tiếng côn trùng trong những đêm dài buồn bã dưới ánh đèn dầu. Đến năm 22 tuổi, ký ức tôi bắt đầu xuất hiện những cánh đồng sực nức mùi lúa chín, những đầm sen toả hương ngào ngạt, những đêm trăng huyền ảo, những đêm hội và những thôn nữ với nét đẹp dịu dàng, đằm thắm…



Mùa đốt đồng lũ con nít dưới quê thường rủ nhau ra đồng đập cúm núm ngoài ruộng chỉ còn trơ góc rạ rồi mở party tại chỗ. Lần về quê vừa rồi tôi may mắn về ngay mùa đốt đồng.Đi rong ngoài những cánh đồng, nhìn lũ nhóc đang chí chóe chia chiến lợi phẩm trên đồng mà tôi tưởng như nhìn thấy hình ảnh mình những ngày còn bé...



Về quê nhìn thấy trên mấy con sông rong nước mọc đầy, lềnh bềnh khắp ven bờ.Nghe má nói nếu rong mọc nhiều thì năm đó nước lũ sẽ lớn, năm nay lại là năm thìn, chắc miền Tây lại phải vất vả với lũ đây, nhưng bù lại chắc hẵn đất sẽ có nhìu phù sa được bồi đắp, những vụ mùa sau đó sẽ rất tốt....



Và đến 27 tuổi, sau khi đã lang thang khắp chốn phồn hoa đô hội, ký ức tôi bắt đầu biến động, một biến động lớn lao sinh ra bởi kinh nghiệm sống và nhận thức. Tôi khát khao trở về làng mình hơn bao giờ hết. Khát khao ấy mỗi ngày một lớn mạnh trong tôi. Nó làm tôi hạnh phúc, bởi tôi biết mình cũng có một làng quê, và làm tôi sợ hãi nếu tôi đánh mất làng quê ấy.

Hằng tuần, hằng tháng tôi vẫn hay lang thang về các vùng quê. Vẫn con đường, dòng sông kia, vẫn cánh đồng và những con người ấy… nhưng một nỗi lo lắng bắt đầu hiện ra từ những gì tôi đang nhìn thấy. Những làng quê đang đổi thay, nhưng dường như sự đổi thay ấy ẩn chứa nhiều bất trắc… Hơn ai hết, chúng ta ao ước một cuộc sống văn minh đúng nghĩa cho làng quê của mình. Chẳng có ai, dù yêu làng quê của mình đến đâu, lại muốn nhìn thấy cảnh người nông dân mãi mãi đi sau cái cày con trâu. Chẳng ai muốn sống mãi trong những ngôi nhà rơm rạ u tối và đói khát.



Trong tương lai gần, những nông dân mới sẽ dựng nên những ngôi nhà mới. Đó là những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, nhưng không phải là những “khối bê tông vô cảm” và xa lạ, “học đòi” thành phố; mà là những ngôi nhà lợp mái ngói đỏ, mang vẻ đẹp đặc trưng của kiến trúc nông thôn và phong vị văn hóa của các làng quê Việt Nam. Phải làm thế nào để những ngôi nhà mới ấy không phải là một sở thích “thời thượng” mà là một nhận thức văn hóa.

Ai đó đã nói: Phải rời bỏ cố hương của mình là một điều bất hạnh. Bởi với nhiều người, đó là một nơi chốn linh thiêng trong tâm cảm. Một cố hương với những gì ta đã nhìn, đã nghe, đã hít thở, đã được nuôi dưỡng và cưu mang, đã được dạy dỗ và gieo vào lòng ta những giấc mơ… mới là một nơi để ta “trở về”. Nhiều người đã trở về, đứng trước một cụm dân cư có cái tên mà ta từng ghi không biết bao nhiêu lần trong mục “quê quán”, nhưng giờ đây không còn nhận ra một nét quen thuộc nào nữa…

Tình người và tình quê, người dân quê tôi không tách rời 2 loại tình cảm đó, vì trong mỗi người chúng hòa quyện vào nhau, mỗi người đều chân chất, dạt dào tình người và tình quê, cũng như con nước trên sông, luôn mang đầy phù sa vậy...


Hãy đổi thay, nhưng xin đừng đánh mất cái “hồn vía” của những làng quê, bởi đó là những ký ức đẹp đẽ và vĩnh cửu trong lòng người, “một cõi đi về” mang tên: Quê hương…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét