Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Jenny Phương và hạt ngọc của quê hương

Jenny Phương và hạt ngọc của quê hương
Bao đời nay, ở nông thôn, người nông dân muốn có gạo ăn thì phải trồng cây lúa. Ở thành phố, thị dân muốn có gạo ăn chỉ cần tiền. Mãi...! Người ta quên mất cây lúa. Người thành phố đánh đồng “Tiền” với “Lúa”. Người Quảng Bình gọi “Lúa” là “Ló”. Nhiều tiền là “nhiều ló”. Vậy là lấp ruộng. Bán đất. Lúa mất dần đất sống. Lúa lùi xa về các miền quê. Lúa vẫn cần mẫn làm công việc của một... người mẹ. Nhân hậu, chắt chiu tinh đất, khí trời nuôi nấng con người. Câu nói vô tình làm xa xót đời cây: “Trồng lúa được mấy đồng, gạo bán thiếu chi mà vất vả cực thân”. Đó là một sự bất công hay nói đúng hơn là thái độ bạc bẽo của không chỉ riêng tôi đối với lúa. Nước Việt Nam ta là nôi sinh của lúa. Ước chừng 10.000 năm trước loại cây cho ngọc này đã hiện hữu ở vùng đồng bằng sông Hồng. Rộng ra, vùng Nam Á thuộc Trung Quốc và Đông Nam Á là quê hương của lúa nước. Lúa cho gạo. Gạo là thứ lương thực không thể thiếu của người Việt Nam. Câu ca“Nhất sỹ nhì nông/ Hết gạo chạy rông/ Nhất nông nhì sỹ” ý nói vai trò không thể thiếu của nhà nông trong đời sống xã hội. Ba tôi kể, nội tôi trọn đời làm nông mà tuổi thơ của ba lại là những ngày đói rạc. Bữa ăn một lát khoai cõng vài hạt cơm đã là sang trọng.
Bát cơm trắng luôn là mơ ước vời vợi xa của ba thời thơ ấu. Nội trồng lúa trên ruộng đất nhà người. Nội sống chết với cây lúa nhưng hạt gạo mang về nhà người. Nội chỉ được tha hồ sở hữu những rơm, những rạ. Rơm lót ổ, ấm thêm những ngày đông mưa phùn gió bấc. Rạ đánh tránh lợp mái nhà, cài liếp cửa, kết áo tơi. Những buổi sáng mờ sương mang gương mặt ngái ngủ đến trường, trên đầu ba tôi vẫn còn bù xù mấy sợi rơm vàng. Cuộc sống ấy đã khảm vào tâm thức của ba tôi nếp sống tằn tiện đến khắc khổ, kể cả bây giờ đã có phần dư ăn dư mặc. Thương nội, khi ba tôi đã kiếm được đồng tiền bát gạo thì ông mất. Kỵ giỗ ông, ba tôi dâng cơm, dâng cá. Ngày còn sống ông chỉ thèm có bấy nhiêu.
*
Ba chồng tôi người quê lúa. Đó là Lệ Thuỷ, miền đất được ví trong câu ca Nhất Đồng Nai/ Nhì hai huỵên. Ông yêu cây lúa đến đắm đuối. Sinh ra trên toóc rạp, lớn lên bên rơm khô, ra đi biền biệt chân trời nhưng nhớ đồng sâu đồng trũng quê nhà ông mang theo một tình yêu kinh thành ly kỳ như trong tiểu thuyết trở về chốn cũ. Tình yêu ấy trọn đời cùng ông ngập trong hương lúa. Đất vùng đồng chiêm, mỗi năm mét mùa lúa. Mươi năm trở lại thêm vụ tái sinh nữa là mùa rưỡi. Già cả ông không còn đồng áng gì nhưng cây lúa thì ông không xa được. Ngày hai buổi sáng, chiều vẫn thong thả ra đồng thăm lúa, chẳng cần biết đó ruộng nhà ai. Ngồi uống trà bên hiên nhà chỉ cần một ngọn gió thơm từ đồng thổi tới là biết cây lúa đang tuổi nào. Ngày mùa ông như trở về thời trai trẻ, cũng xôn xao cùng con cháu ra tận ngõ đón lúa về. Đầm ấm nhất vẫn là bữa cơm đầu mùa gặt. Cả ngôi nhà nhỏ sực nức mùi cơm mới. Hạt lúa được phù sa châu thổ Kiến Giang nuôi tròn, lại được nắng miền cát ủ chín giờ đã thành những hạt vàng óng ả. Sự hòa quyện giữa màu vàng của phù sa và màu vàng của nắng đã cho hạt lúa một sắc màu riêng, một hương thơm riêng. Người Việt Nam sống đến trăm tuổi, đi xa góc bể chân trời không ai quên mùi cơm thơm. ở những vùng quê nằm bên châu thổ sông Kiến Giang người ta thường nấu cơm mới bằng những sợi rơm mới. Điều này đã trở thành một tập tục. Thế mới là đúng bài. Chị tôi trồng lúa, từ tóc còn xanh đến ngả màu sương, đời chị hòa vào đời lúa. Lần nào về quê tôi cũng thấy bóng nón của chị thấp thoáng ngoài thửa ruộng xa. Ra đồng là niềm vui của chị, chị vui buồn với sắc màu của lá, nặng nhẹ của bông, căng tròn của hạt. Trong một tuỳ bút của mình nhà văn Phan Tùng Lưu đã gọi những người đàn bà trồng lúa là những người vẽ nắng trên cánh đồng: “Tôi thương làng tôi, thương những người đàn bà vẽ nắng. Đừng khinh rẻ họ. Đừng xem thường nông dân. Họ là phần trong trẻo nhất mà nhân gian còn sót lại. Bát cơm ta ăn hàng ngày đã đi ra từ bàn tay những người vẽ nắng... Họ vẽ nắng suốt một đời,vẽ từ khi họ còn là thiếu nữ. Bao nhiêu thế hệ từ bốn nghìn năm dựng nước, họ miệt mài vẽ nắng bằng sự khát khao, bằng niềm tin bạo liệt. Họ vẽ qua tháng năm, qua kiếp người, vẽ nắng cho mình, cho người và vẽ nắng cho nụ cười muôn kiếp nhân gian. Họ là một phần nền móng vững bền cho dân tộc, khi đất nước bình yên, cả những thời chiến tranh loạn lạc. Họ cho đàn ông sự ấm áp, cho trẻ thơ lời ru, cho nhân loại sinh tồn và cho muôn đời đồng quê được nắng... Tôi đồng cảm với Phan Tùng Lưu về điều này và mạo muội chép ra đây một đoạn trong bài viết dài của anh, mong muốn có ai đó vô tình đọc phải những dòng lan man này của tôi sẽ gặp những dòng văn đẹp, vẽ một bức tranh đẹp.
Đất Lệ Thủy là đất sinh sôi, từ ruộng sâu, ruộng cạn lúa cao, lúa thấp mọc lên, cá tôm ốc ếch... không bao giờ thưa vắng. Về quê nghĩa là tôi sẽ có những bữa ăn ngất ngây hương vị quyến rũ của đồng nội. Cơm mới với cá rô mùa gặt là một bữa ăn để đời. Thường thì lúa vừa nặng bông chắc hạt là cá rô đồng cũng đến kỳ béo múp, đó là nhờ suốt một thời gian dài được tận hưởng hương vị ngọt ngào thơm tho của vô vàn bông lúa màu trắng sữa rơi dày mặt ruộng. Trong thế giới cá đồng, cá rô đích thị là một gã phong lưu lãng tử và đa tình nên người đi câu hay đặt lờ thường dễ bắt được nhiều cá rô. Ba chồng tôi thích nhất món cá rô thóc kho tộ. Không cần màu mè dầu mỡ gì nhiều chỉ cần chút nước mắm mạ tự chưng lấy, ít hạt tiêu sọ là đã có một nồi cá ươm vàng thơm nhức mũi và béo ngậy. Có phải vì thế chăng mà hàng năm, cứ vào vụ gặt là mấy anh em chú bác nhà tôi lại sắp xếp việc chung riêng gồng gánh nhau về quê ăn mừng lúa mới. Cả nhà chôn rộn vào ra. Cả làng náo nức xuống lên lên xuống. Ba chồng tôi sang tuổi xưa nay hiếm, mãn nguyện đặt lên bàn thờ tổ tiên mâm cơm mùa gặt, kính cẩn nói lời tạ ơn tiền nhân, tạ ơn cây lúa. Nghi lễ ấy đã có ở những vùng quê lúa như Lệ Thuỷ từ bao đời nay. Bây giờ ông đã đi xa, lãng du cùng ngọn gió trên đồng, bồng bềnh cùng mây trắng ngoài mặt sông vắng, chỉ còn tình yêu xứ kinh kỳ của ông là ở lại với lúa. Tình yêu tóc trắng màu mây, nhớ ông bà thì thào nói chuyện, con cái tưởng bà lẫn nhưng bà không lẫn, bà đang gửi lời vào gió, nhắn ông rằng bà cám ơn ông đã cho bà thêm một trái tim và thêm một quê hương. Quê hương ấy nuôi đàn con của bà khôn lớn. Bà là con gái cố đô, bà không biết chuyện đồng áng nhưng bà yêu lúa, trong nhà bao giờ mạ cũng có lúa để dành. Bà nói, mạ nuôi lúa để lúa nuôi các con.

Đã có rất nhiều lần tôi đứng như bị thôi miên truớc màu vàng rực của cánh đồng đang vào mùa chín rộ trong nắng chiều. Miền đồng xứ Lệ từ Quốc lộ 1A nhìn lên mênh mông như một mặt biển. Sóng lúa, sóng nước đan cài vỗ vô hạn vô hồi. Gió từ mặt phá mặn mòi. Gió từ cánh đồng ngọt ngào. Thoảng trong không gian thơm mát rì rào lời lúa hát. Đó là âm thanh hạnh phúc của sự dâng hiến. Bất chợt thầm thì cất lên câu hát “Về đây nghe em/ Về đây nghe em/ Về đây mặc áo the đi guốc mộc/ Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai/ Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới / Và về đây nghe lại tiếng nôi thơ ấu khúc hát ban đầu.. Hát thì hát vậy, bây giờ chẳng tìm đâu ra áo the guốc mộc, con gái làng tôi đi xe máy, mặc quần bò ra đồng. Thời thế đổi thay, con người cũng đổi thay, cây lúa e rồi cũng vậy…
Hôm trước coi ti vi, nghe nói bên Ấn Độ người ta đã nghiên cứu thành công giống lúa ăn liền, chỉ cần ngâm gạo 40 phút trong nước lạnh là có cơm ăn. Theo đánh giá của các chuyên gia thì giống lúa này mang rất nhiều đặc điểm ưu việt: Tiết kiệm năng lượng và thời gian, bảo vệ môi trường, hàm lượng chất bổ trong hạt cơm không bị hao tổn trong quá trình đun nóng. Tưởng đó chỉ là cái tin, xem xong nghe qua thì thôi, ai dè thông tin từ cái đất nước xa lắc xa lơ ấy đã để lại dư âm trong gia đình tôi với một cuộc tranh luận khá thú vị. Chung quy lại ai cũng cho rằng nếu Việt Nam ta có giống lúa ấy, gia đình tôi kiên quyết không sử dụng. Gạo đem ngâm nước rồi ăn thì còn gì là nóng nảy thơm tho, trong lúc cái ngon của bát cơm chính là ở cái nóng thơm tho ấy.
Người Việt ta thường rất thích hương thơm nồng ấm của nồi cơm đang sôi trong ngôi nhà của mình. Đi xa, người ta hay nhớ về không gian no đủ ấy vào những buổi chiều ta bóng xế đó sao.
Cũng may đó là chuyện ở tận đẩu tận đâu, không phải do vậy mà cây lúa quê tôi lụi tàn. Lúa vẫn cần mẫn làm tròn thiên chức của người mẹ. Hôm trước tôi về quê, chị tôi đang tất tả ra đồng ải đất. Tôi đã thấy một mùa vàng nữa đang về.
(Jenny Phương sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét