Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Jenny Phương thời thơ ấu và những câu chuyện

Hồi còn nhỏ, tôi và các anh chị trong gia đình rất thích nghe ông tôi kể chuyện…
Ông tôi là một người vui tính, độ lương và giầu lòng thương người. Vì vậy nên từ bạn bè của ông tôi, họ hàng con cháu, hàng xóm láng giềng cho đến người ăn kẻ ở trong nhà đều kính trọng và yêu mến…
Cụ có tài kể chuyện đời xưa như Tam Quốc Chí, Tây Du Ký, Chinh Đông- Chinh Tây v.v…và nhất là những Chuyện cười dân gian do ông tôi nghe được, kể lại hoặc ông tôi tự « sáng tác » ra để chế nhạo những thói kiêu căng, ngạo mạn của « kẻ sĩ » ; Thói hợm hĩnh,rởm đời của những « trưởng giả học làm sang »… Với cách diễn đạt dí dỏm, trào lộng, đầy tính nhân văn, qua cách thể hiện của ông tôi đã làm cho những người nghe (từ già chí trẻ) cười ngặt ngẽo, cười bò ra và đôi khi…cười ra nước mắt ! Những chuyện cười của ông tôi không tục tĩu bậy bạ như chuyện tiếu lâm ; không diễu cợt những sự ngớ ngẩn của người đời như những trang báo « lá cải », không « cười trên sự đau khổ của người khác » như câu chuyện của những kẻ tiểu nhân mà nó có cái gì thâm thúy, sâu lắng, làm người nghe đôi khi cảm thấy như « có chính mình » trong đó ; để nghiền ngẫm và để …tự sửa mình. Có những chuyện, người nghe « cứ tưởng » là chuyện cười nhưng thật sự lại là một bài học thật thấm thía…
Có một chuyện ông tôi kể, cho đến nay tính đã ngót nghét sáu chục năm trôi qua mà tôi còn nhớ mãi…
Lần đó, sau bữa cơm chiều khi đông đủ mọi người trong gia đình, như lệ thường ông tôi kể chuyện vui cho mọi người nghe :
« Chuyện rằng, có một ông sư vô cùng đạo hạnh, một lần khi đi qua một cánh đồng bỗng nghe tiếng kêu cứu của một cô gái trẻ. Tới gần thì thấy cô gái bẽn lẽn ôm chặt cái váy đang mặc vì xấu hổ (mắc cỡ) nhưng miệng vẫn kêu la thảm thiết vì đau. Cô nói :
- Xin sư cụ cứu con . Con đang làm ruộng nhưng khi con ngồi xuống thì bị một con cua càng lớn cắp vào …bẹn con. Con đã làm đủ mọi cách nhưng nó không chịu nhả…
và càng kêu la thảm thiết hơn. (Cũng cần phải nói là phụ nữ ngày xưa mặc váy là chỉ có váy không, không có quần trong hoặc slip như bây giờ…).
Ông sư là người chân tu, rất nhân từ, muốn cứu người bị nạn nhưng lại sợ phạm vào pháp giới : Mắt không được nhìn « bậy » ; Tay không được « đụng chạm » vào cơ thể phụ nữ nên chỉ còn một cách duy nhất là nhắm mắt lại, cúi xuống dùng mồm cắn vào con cua dứt ra, mong cứu thoát người bị nạn. Trớ trêu thay, con cua đã nhanh chóng dùng cái càng còn lại cắp luôn vào môi ông sư, không nhả ra. Thế là cả ông sư và cô gái vừa đau đớn vừa hoảng hốt vì đã rơi vào hoàn cảnh khó sử… ».
Nghe tới đây, mấy người làm trong nhà cười ré lên, khoái trá với hình ảnh ông sư và cô gái lúng túng trong một tư thế vô cùng khó nói…
Thấy vậy, ông tôi trừng mắt nghiêm khắc bảo họ :
- Chuyện có gì đáng cười ? Thật vô duyên ! Để cứu một mạng người, Nhà sư đã vượt lên trên những điều dị nghị của đời thường, vượt lên trên những khuôn phép nghiêm ngặt của pháp giới, không tính toán đến những nguy hiểm có thể dẫn tới cho bản thân mình. Ông đã khấn nguyện và tin rằng việc mình làm có Phật Tổ chứng giám. Ông cũng tin rằng cái tâm trong con người mình là trong sạch, vậy đáng kể gì những dị nghị của trần gian ??? Chuyện kể rằng sau này ông đã tu thành chính quả, thành Phật và được vào hưởng cõi Niết Bàn. Thử hỏi trong thế gian này, có mấy người làm được như nhà sư đó ? Người ta chỉ lo đến chức vị và được mọi người kính nể (dù chỉ ngoài mặt !). Lòng thương người chỉ thể hiện qua đầu môi, chót lưỡi, còn lại thì « sống chết mặc bay… »
Ví như ông Nghị viên ở dãy phố trước mặt kia kìa, nổi tiếng là một học giả uyên bác, có bằng Cử nhân Luật đi học ở Pháp về. Mỗi lời nói của ông được coi là khuôn vàng, thước ngọc, làm chuẩn mực cho đạo đức làm người, thế mà khi thấy ông Chánh Cẩm (commissaire de police) bắt oan một người dân cùng làng vô tội, ông ta đã quay phắt đi coi như không biết gì, để tránh bị liên lụy đến bản thân mình…Cuối cùng thì người dân oan đồng hương tất nhiên là sẽ phải vào vòng tù tội còn ông Nghị thì vẫn « đường đường một đấng », mũ cao áo dài ; ra đường vẫn ngẩng cao đầu và dậy thiên hạ những điều đạo đức…Cái đáng « cười chê » thì tại sao mọi người không cười mà lại đi cười một hành động cao qúy, hy sinh của một người tu hành ? 
Mấy người vừa cười sợ hãi, im bặt ngượng ngùng !

Thế mới biết, cái cười cũng khó thật ! Phải cười làm sao cho trọn vẹn tiếng cười…

(Jenny Phương sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét